Popis: |
Nghiên cứu này hướng đến khám phá thực trạng và lý do nắm giữ tiền mặt của doanh nghiệp Việt Nam. Dựa trên tập dữ liệu gồm 199 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011 đến 2018, kết quả phân tích thống kê cho thấy mức nắm giữ tiền mặt phổ biến của doanh nghiệp Việt Nam là khoảng 5.9%. Tỉ lệ nắm giữ tiền mặt cao chỉ xuất hiện ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Ngoài ra, tỉ lệ nắm giữ tiền mặt của các doanh nghiệp ở tất cả bốn nhóm phân vị theo quy mô đều có xu hướng giảm kể từ năm 2016, mà mạnh nhất là ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ. Phân tích hồi quy cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam thường tăng tích trữ tiền mặt khi điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hay rủi ro kinh doanh gia tăng và giảm tích trữ tiền mặt khi có các nguồn vốn nội bộ khác hay khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trở nên dễ dàng hơn. Các đặc trưng này ủng hộ lý thuyết cân bằng lợi ích và chi phí (Trade-off theory) trong nắm giữ tiền mặt. Các kiểm định tăng cho thấy tốc độ điều chỉnh tỉ lệ tiền mặt nắm giữ là khoảng 30% mỗi năm; Qua đó, cũng ủng hộ kết luận các doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ tiền mặt nhằm mục đích thanh toán và dự phòng rủi ro và có tính toán cân bằng giữa lợi ích và chi phí khi quyết định lượng tiền mặt nắm giữ tối ưu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra hai hàm ý chính sách đối với nhà nghiên cứu và nhà đầu tư. Thứ nhất, kết quả phân tích cho thấy ban điều hành của nhóm doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng thấp và ít cơ hội đầu tư trong tương lai đã có những quyết định giữ tiền mặt phi kinh tế và có thể ban quản trị doanh nghiệp đã không làm tròn chức năng giám sát và điều chỉnh hành vi của ban điều hành theo lợi ích của cổ đông. Thứ hai, việc các doanh nghiệp Việt Nam có tỉ lệ nắm giữ tiền mặt khá thấp và chủ yếu phục vụ mục đính giao dịch cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy năng lực đầu tư nội bộ là thấp. Điều này sẽ hạn chế khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp. |