Popis: |
Remdesivir là thuốc kháng virus đã được chấp thuận trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào về remdesivir được công bố tại Việt Nam. Chính vì thế, nghiên cứu được thực hiện để phân tích kết quả điều trị và độ an toàn của remdesivir trên bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam. Nghiên cứu hồi cứu, mô tả thực hiện trên bệnh nhân COVID-19 từ 12 tuổi trở lên có chỉ định nhập viện và được điều trị với ít nhất một liều remdesivir từ ngày 10/08/2021 đến ngày 10/09/2021 tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park. Kết quả điều trị được đánh giá theo thang WHO 6 điểm, biến cố thở máy ngày 14 và tử vong tại thời điểm ngày 28. Độ an toàn của remdesivir được đánh giá dựa trên tỷ lệ biến cố không mong muốn ghi nhận theo thang AIDS 2017.Kết quả: Nghiên cứu thu thập được 152 bệnh nhân COVID -19 được điều trị bằng remdesivir, trong đó hơn 50% có ít nhất 1 bệnh lý nền, chủ yếu là bệnh lý tim mạch hoặc đái tháo đường. Các bệnh nhân được dùng thuốc remdesivir trong vòng trung vị 6 ngày đầu khởi phát. Có 55,7% người bệnh cải thiện lâm sàng rõ rệt tại ngày thứ 11 so với trước khi dùng remdesivir. Chỉ có 14,6% bệnh nhân tiến triển nặng phải thở máy xâm nhập tính đến ngày thứ 14. Tỷ lệ tử vong ở ngày thứ 28 là 12,5%. Các biến cố bất lợi được ghi nhận ở bệnh nhân dùng thuốc bao gồm tăng men gan (29,6%), hạ kali (26,3%), giảm độ lọc cầu thận (17,8%), chậm nhịp tim (11,2%) và kéo dài thời gian prothrombin (15,1%). Các yếu tố tiên lượng nặng lâm sàng bao gồm tuổi cao; mắc ít nhất một bệnh lý nền (COPD, tim mạch, đái tháo đường); người cần hỗ trợ thở oxy dòng cao HFNC, thở máy không xâm nhập hoặc thở máy xâm nhập;chỉ số ROX, tăng chỉ số viêm PCT, D-Dimer, ferritin; giảm số lượng bạch cầu lympho trước khi điều trị. |