Popis: |
Ba năm trước, Dạy&Học đã ra mắt quý độc giả số đầu tiên với tựa đề “Công nghệ và giáo dục”. Trong bài viết “EdTech, một vài suy nghĩ vụn vặn”, tác giả Dương Trọng Tấn đã đưa ra nhận định rằng vai trò của công nghệ trong giáo dục còn rất hạn chế, cả ở trên thế giới lẫn các trường học ở Việt Nam. Cuối bài viết, tác giả đã đặt ra một câu hỏi: Phải chăng con thiếu một cú hích nào đó để sự thay đổi được diễn ra?Vào thời điểm hiện tại, cả thế giới buộc phải suy nghĩ về điều này khi đại dịch khiến cho việc tới trường hàng ngày không còn là một lựa chọn. Liệu đại dịch COVID-19 đã có thể đóng vai trò là cú hích mà tác giả Dương Trọng Tấn mong đợi? BBT Lộn Xộn xin cùng quý vị chiêm nghiệm lại câu hỏi này cùng Dạy&Học số 37 mang tựa đề “Khoảng Cách”, với loạt bài tiếp tập trung vào chủ đề học tập trực tuyến nói riêng và công nghệ giáo dục nói chung.Bất ngờ chuyển sang dạy học trực tuyến là một thử thách không hề nhỏ đối với cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Các bài viết bao gồm “Chấm dứt tình trạng mệt mỏi vì Zoom”, “Giúp những đứa trẻ nhút nhát, hướng nội thích ứng với hình thức học từ xa”, Quản lý lớp học trong môi trường trực tuyến và “Đại dịch khiến phụ huynh muốn “chạy trốn” khỏi trường học - có thể là mãi mãi” vừa phản ánh những khó khăn này, vừa mang tới những phương án để giải quyết chúng.Mặt khác, đối với một số nhóm, tình trạng này thực ra lại thuận lợi hơn cho họ. “Tại sao nhiều em học tốt hơn khi học trực tuyến?” và “Tôi sẽ nhớ Zoom khi đại dịch biến mất” đem tới hai góc nhìn về những điểm mạnh của học trực tuyến. Thông qua việc tìm hiểu những thuận lợi này, chúng ta rút ra được “Những bài học “dắt túi” từ khoảng thời gian học trực tuyến” để vận hành hiệu quả hơn trong quãng thời gian sống chung với đại dịch sắp tới.Trong khi tác giả Tim Walker đến từ Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định rằng “Không phải công nghệ, chính giáo viên mới là những người hùng”, bài viết “Sử dụng công nghệ như thế nào để giúp giáo viên trở nên tốt hơn và làm cho cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn” và “Gợi ý của các chuyên gia giáo dục về đào tạo giáo viên sử dụng công nghệ” là những gợi ý để các hiệu trưởng, các nhà quản lý giáo dục có thể hiện thực hóa khẳng định trên.Cuối cùng, ngoài những bàn luận về các vấn đề có phần “vĩ mô” trên, “Khám phá khoa học công nghệ đơn giản cho trẻ tại nhà” đem tới những hoạt động thú vị mà cha mẹ, thầy cô có thể hướng dẫn học sinh thực hiện trong khoảng thời gian chưa thể quay lại trường học. |